(tonghopbao) – Đó là điều bí mật mà ai cũng biết trên đường phố Quảng Châu, rằng hiện nay có rất nhiều người ăn xin quanh thành phố Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác không thực sự là những người tàn tật và vô gia cư. Phần lớn trong số họ là những người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh; họ xem việc đi ăn xin là một công việc khác và họ thích làm như vậy do họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc thông thường và thời gian đối với công việc này cũng linh động hơn.

Li Yingsheng, giáo sư trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, trao đổi với tờ Thời báo Hoàn cầu trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm vừa qua, nhận xét đây là một cách kiếm sống rất ổn. Ông nói: “Một người ăn xin, không quan trọng là hoàn cảnh họ có thực như vậy hay không, có thể kiếm được từ 20 đến 100 tệ (2,9 đến 14 đô-la), tùy thuộc vào sự khéo léo trong cách xin mà thôi, như họ có thể hát, chơi nhạc, viết những câu chuyện về bi kịch đời tư của người này người kia, dùng trẻ con đi xin tiền, hay làm cho đứa trẻ như bị què quặt để giành được lòng thương cảm.”

Ma Li, phó giám đốc Viện nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, cho biết một số người ăn xin trên đường phố thậm chí còn ăn nên làm ra. Nhiều người di chuyển đến những thành phố lớn rất xa với quê nhà của họ để đi ăn xin.

“Phần lớn họ không muốn sống trong những nơi trú ngụ vì sợ bị đưa trở lại nhà và như vậy họ sẽ không thể “làm ăn” được nữa,” ông Mã nói. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, những kẻ khất thực thường thấy loanh quanh ở những cửa hàng và quán bar, nơi có người nước ngoài hay lui tới cũng như ở các trạm xe lửa đông đúc. Hiện giờ nạn ăn xin đã trở thành một hiện tượng trên toàn quốc.

Nhật báo Nam Phương hôm thứ Ba vừa rồi đăng một câu chuyện nói rằng có không ít người ăn xin ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, đã kiếm được đủ tiền để đi chơi gái và mua cả ma túy.

“Từ những gì tôi thấy thì có đến 80% người ăn xin ở Quảng Châu là những kẻ lừa đảo,” một người ăn xin tiết lộ với báo này.

Kiểm soát băng nhóm cái bang

Báo cáo cho biết có nhiều người ăn xin giả vờ như bị tàn tật và nhiều người trong số này bị kiểm soát và bảo kê bởi những băng nhóm. Những băng nhóm này lúc thì bắt cóc trẻ con và bắt chúng đi ăn xin một mình hay đi cùng với bố hoặc mẹ giả.

Một trong những người ăn xin, Zhang Liang đến từ tỉnh Hà Bắc, khoe với tờ báo là anh ta dùng phần lớn số tiền “kiếm được” để chơi bạc. “Có lúc tôi có thể kiếm được vài trăm NDT một đêm,” anh ta nói.

Vào năm 2003, Hội đồng Nhà nước đã quy định các trung tâm cứu trợ của thành phố cần được thành lập nhằm hỗ trợ lương thực và nơi ăn ở cho những người lang thang. Những người lang thang này sẽ được đưa trở lại quê nhà trong vòng 1 tháng.

Báo cáo của Tân Hoa Xã năm ngoái xác nhận chỉ có 6 người đang sống trong một trung tâm cứu trợ ở quận Shijingshan thuộc Bắc Kinh.

Trung tâm này có thể đáp ứng khoảng 100 người, và hai trong số 6 người trên muốn rời bỏ trung tâm vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc đi ăn xin.

Mặc dù những tay ăn xin chuyên nghiệp đang mọc ra như nấm sau mưa, song vẫn còn nhiều người thực sự rất cần bàn tay giúp đỡ để có miếng ăn qua ngày.

“Những người ăn xin không có hộ khẩu ở thành phố nên họ không được hưởng những phúc lợi xã hội như bảo hiểm thất nghiệp. Những khoản trợ cấp sinh hoạt cơ bản chỉ áp dụng tại quê nhà ở họ mà thôi,” ông Mã nói.

Có phải là một tội phạm?

Ông Zhou Xiaozheng, giám đốc trung tâm nghiên cứu luật và xã hội học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng các nhà chức trách cần phải có những biện pháp mạnh tay với những kẻ ăn xin chuyên nghiệp.

“Những kẻ ăn xin có tính chất là tội phạm cương quyết là phải bắt giữ; trong khi đó những người ăn xin thật sự lại cần được hướng dẫn một cách tích cực vào những trung tâm cứu trợ địa phương,” ông Zhou nói.

Cảnh sát Bắc Kinh tuyên bố trong tháng này sẽ tổ chức một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào những người ăn xin trên các tuyến đường sắt và các đoạn giao thông khác. Cho đến nay có khoảng 300 người đã được gom lại.

“Việc dẹp những băng nhóm cái bang trên đường phố sẽ trở thành một phần trong công việc thông thường của cảnh sát. Các hành khách đi trên các tuyến tàu hỏa được đề nghị gọi điện cho cảnh sát và thông báo cho họ biết về những người ăn xin gây rối trật tự xã hội,” một quan chức cảnh sát Bắc Kinh phát biểu với Tân Hoa Xã.

Ông Ma Li cho biết những cơ quan dân sự và Bộ công an phải phối hợp với nhau để giải quyết có hiệu quả vấn nạn này.

“Việc chỉ gom họ lại một chỗ là chưa đủ mà cần thiết phải có một hệ thống đào tạo hướng nghiệp tại các trung tâm để giúp những người lang thang có cơ hội họ các kỹ năng làm việc và kiếm việc làm, và đây là cái chúng ta đang nỗ lực tiến hành,” ông Mã nói.

Một số người cho việc đi ăn xin là một cái quyền. “Ăn xin là một tồn tại xã hội bình thường. Chúng ta nên dành cho họ một không gian để đi ăn xin trong khi đó phải triệt để xóa bỏ hiện tượng ăn xin làm mất trật tự xã hội,” ông Zhou nói.