Nghệ sĩ nhân dân Y Moan
ND – Vào hồi 16 giờ ngày 1-10, Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 55, gần hai tháng sau ngày ra Hà Nội trình diễn một chương trình tại Nhà hát Âu Cơ như để giã biệt trước người dân Thủ đô từng mến mộ giọng hát đặc sắc của anh. Một mất mát để lại khoảng trống, giống như chín năm trước mất Lê Dung.
Từ rất lâu, người mến mộ âm nhạc cứ ngỡ sau những cặp bài trùng nhạc sĩ – ca sĩ như: Văn Cao – Kim Tiêu, Ðoàn Chuẩn – Thanh   Hằng,   Hoàng   Vân -Trần Khánh, Nhật Lai – Kim Nhớ… sẽ rất khó tìm được những cặp bài trùng như thế, vậy mà đến nhạc sĩ Nguyễn Cường thì vòm trời âm nhạc lại xuất hiện Y Moan.

Thực ra trước khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, Y Moan đã sớm là ca sĩ “trụ cột” của Ðoàn văn công Ðác Lắc. Vừa hát, chàng ca sĩ của buôn làng Ma Ðrắc còn cùng nghệ sĩ ghi-ta tài hoa Quang Dũng sáng tác. Ca khúc Bài ca quê hương Y Moan làm cùng Quang Dũng đã được hát khắp nơi và trân trọng đưa vào tập ca khúc về đề tài dân tộc và miền núi Tiếng hát nguồn suối. Chất nhạc dựa vào dân ca Ê Ðê với lời ca giản dị:

Mừng lúa mới trên cao nguyên rộn vang tiếng ca

Mùa về lúa ngát hương

Mùa về reo vui A ha a ha a ha

ha! a ha a ha a ha…

Không ngờ cái chất rock Ê Ðê tiềm ẩn trong những cái “a ha” ở bài hát của Y Moan đã được sự mẫn cảm của Nguyễn Cường khai phá khi anh vừa tốt nghiệp Ðại học Âm nhạc khoa sáng tác và kiên quyết rời xa Hà Nội để vào cao nguyên Ðác Lắc, tìm ra một phương thức khai thác dân ca Tây Nguyên mới mẻ sau Nhật Lai. Và Nguyễn Cường đã gặp Y Moan. Và cộng hưởng.

Nghe Y Moan hát với những giai điệu lạ lẫm đầy ắp âm hưởng dân ca Ê Ðê hòa trộn cùng nhịp điệu rock tạo nên một chất folk – rock thuần Việt và những ca từ cũng mang hơi thở trường ca “Ðam San”, “Xinh Nhã”, có cảm giác như Y Moan trút máu, dứt da, dứt thịt mà hát. “Chàng rocker” với gương mặt đá núi, tóc lòa xòa như mây đại ngàn như “nhập đồng” những sáng tác của Nguyễn Cường.

Nhìn anh hát Ơi Ma Ðrắc bốc lửa trên sân khấu với những giọt mồ hôi đam mê, thấy khó có ai lặp lại được những giai điệu này đến độ huyễn hoặc như thế. Ðang từ những câu hát như dân ca Ê Ðê ngàn đời: Tôi đi trăm ngàn muôn nơi. Không đâu như nơi này, bỗng giai điệu đang tuôn chảy như dòng suối hiền hòa chợt khựng lại, chợt thác dốc, chợt vút bay như cánh chim ưng trên một quãng ba thứ bất ngờ :”Ơi Ma Ðrắc ê ê ế ! Ơi Ma Ðrắc ê ê ế ! ế ế ế ế ế…” Cái mới mẻ, cái hơi thở rock đã trào dâng chan chứa. Nghệ thuật trình diễn rock Ê Ðê ở Y Moan vút lên đến tột đỉnh ở Ly cà-phê Ban Mê. Một đề tài rất đời, rất khác xa với những âm hưởng sử thi, anh hùng ca thời chiến tranh đã được Nguyễn Cường viết ra vì tin chắc rằng có Y Moan sẽ thể hiện đúng ý mình: “Ly cà-phê như muốn nói/ Nói cùng anh câu gì/Ly cà-phê như muốn hát/Hát cùng anh câu gì/Thoảng bay theo làn khói thuốc giữa trời xanh mênh mông”. Cao trào bắt đầu từ đoạn sau: “Ánh mắt. Ánh mắt long lanh như mùa xuân đang về. Khói thuốc! Khói thuốc bay bay ly cà-phê Ban Mê”. Thực ra khi viết, Nguyễn Cường muốn nói một cái kết hiền hòa ở chữ “Ban Mê”. Nhưng đến khi Y Moan xử lý, anh đã đưa hết vào đấy hồn vía hoang dại của xứ sở săn bắn và hái lượm với nồng men rượu cần bằng cách ngắt chữ “Ban Mê” riêng ra chênh vênh ngoài chủ âm và chữ “Ban Mê” hóa thành sân bay cất cánh cho một thăng hoa rock cực kỳ chất chứa. Khi Y Moan cất lên “Ban Mê ê ề. Ban Mê ê ế ê ế ê ế ê ê ề…” thì thấy như đất trời ba-dan muốn nhuộm đỏ người nghe trong một niềm kỳ thú khôn tả. Diễn tấu cái thăng hoa này, người xem Y Moan biểu diễn thấy anh vác ngang cả chân mi-crô như sắp bước vào cuộc chinh phục cuối cùng với mái tóc xoăn dã xượi bởi mồ hôi, bởi rung cảm như xoắn xuýt trong từng sợi.

Bây giờ, dù đã xa xăm, Y Moan cứ thế tang bồng với những âm thanh hoang dã và những giai điệu của cao nguyên Ðác Lắc quê anh trên khắp đất nước, trên muôn nẻo hành tinh. Xin vĩnh biệt!

NGUYỄN THỤY KHA